Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ: Làm cho di sản có thể tiếp cận với tất cả mọi người

VHO- Hội thảo khoa học - thực tiễn “Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” vừa được Khu Di tích tổ chức cuối tuần qua đã “chạm” đến một yêu cầu cấp thiết, mang tính thời sự trong hoạt động của nhiều bảo tàng, di tích hiện nay.

Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ: Làm cho di sản có thể tiếp cận với tất cả mọi người - Anh 1

 Ứng dụng công nghệ hiện đại được Hoàng thành Thăng Long áp dụng trong nhiều năm qua, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ du khách, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19

Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh, nắm vững nguyên lý, chúng ta sẽ không lo lạc lối trong “rừng” công nghệ. Khi đó, công nghệ sẽ trở thành “chiếc đũa thần”, biến hóa tài tình để tạo nên muôn vàn câu chuyện hấp dẫn trong các bảo tàng và di tích.

Ứng dụng công nghệ để kết nối và lan tỏa

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng chia sẻ, ngày nay, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục di sản, các bảo tàng, di tích đã và đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại là một đòi hỏi thực tiễn, cũng là một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong hệ thống quản lý bảo tàng, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

Việc ứng dụng công nghệ nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch ngày càng sâu rộng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0. Nhấn mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng các chương trình giáo dục còn là vấn đề mới đối với các bảo tàng và di tích ở Việt Nam, Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch mong muốn các nhà khoa học, các cán bộ quản lý văn hóa, các đồng nghiệp tại các Bảo tàng, di tích chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và Khu di tích...

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại nhằm lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ hiện nay là vấn đề đang đặt ra cấp thiết. ThS Cù Thị Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch cho rằng, ngày nay, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “một trường học lớn”. Những năm qua, công tác tuyên truyền lan tỏa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng được đa dạng hóa các hình thức, hoạt động phong phú và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. ThS Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, hằng năm, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đón hàng trăm đoàn khách trong nước đến tham quan và học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều đoàn là học sinh, sinh viên. Trong những năm qua, bên cạnh phương thức thuyết minh truyền thống, Khu di tích ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nhiều chuyên đề nói chuyện tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước; nâng cấp hệ thống website, tiến hành xây dựng chương trình giáo dục di sản dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; xây dựng được các tour tham quan ảo để phục vụ du khách trong nước và quốc tế không có điều kiện đến thăm trực tiếp… Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, quảng bá Khu Di tích cũng như những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nhấn mạnh vai trò của công nghệ ở bảo tàng, di tích, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, các bảo tàng và di tích luôn tìm cách để kết nối các di sản đang trưng bày, giới thiệu với công chúng. Các hướng dẫn viên luôn tìm tòi, công phu nghiên cứu tư liệu hiện vật để xây dựng các câu chuyện, chủ đề về di sản để kết nối với sự hiểu biết và nhu cầu của công chúng. Các chuyến tham quan có hướng dẫn là một hình thức giáo dục cổ điển nhất, phổ biến nhất và dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên, ngày nay hình thức này đã thay đổi. Từ chỗ nói cái gì bảo tàng có, hướng dẫn viên đã chuyển sang nói cái gì công chúng đang cần, công chúng mong đợi.

“Cây đũa thần” để không lạc lối trong rừng công nghệ

Theo Trưởng phòng Bảo quản Trưng bày Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến, trong xu thế chung hiện nay, các bảo tàng, di tích và khu di sản cần nắm bắt cơ hội và tiếp cận công nghệ để đổi mới hoạt động chuyên môn, tăng cường số hóa di sản, tạo động lực và chuyển biến tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong công tác giáo dục di sản, đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ. Bà Yến chia sẻ, ứng dụng công nghệ tại Hoàng thành Thăng Long đã góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, những sản phẩm dịch vụ công nghệ tiện ích và đặc biệt, nâng cao hiệu quả trong công tác trưng bày, đưa thông tin tiếp cận tới khách tham quan.

Ngay từ khi khánh thành, Bảo tàng Quảng Ninh đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời đem lại cho khách tham quan những trải nghiệm mới mẻ, đa chiều. Đơn cử, từ năm 2015, Bảo tàng Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ bảo tàng ảo để giới thiệu toàn bộ nội dung cơ bản và các không gian trưng bày. Kể từ khi thiết lập đến nay, bảo tàng ảo 3D của Bảo tàng Quảng Ninh đã thu hút được hơn 2,5 triệu lượt xem và theo dõi. Từ những ví dụ cụ thể này, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh, công nghệ thông tin và đã trở nên phổ biến, thậm chí người ta không thể thiếu nó dù chỉ chốc lát. Trong lĩnh vực bảo tàng, di tích sự phát triển gắn liền với công nghệ bắt đầu từ khoảng 30 năm gần đây và càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. TS Lê Thị Minh Lý cũng cho rằng, xu hướng số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu cho diễn giải, trưng bày và giáo dục di sản đang ngày càng phổ biến. Số hóa là một thách thức quan trọng để làm cho di sản văn hóa có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Công nghệ với Big Data là xu thế phát triển của mọi ngành lại càng không thể thiếu ở các thiết chế văn hóa giáo dục như bảo tàng và di tích.

Bản chất của ứng dụng công nghệ trong bảo tàng và di tích là “sử dụng công nghệ tập trung vào việc tinh chỉnh và thiết kế lại thông tin được cung cấp cho người dùng để thông tin đó trở nên hấp dẫn hơn và dễ dàng thẩm thấu hơn. Công nghệ được các thiết chế văn hóa sử dụng như một phương tiện để “thay đổi” trải nghiệm văn hóa và làm cho nó hấp dẫn hơn đối với khán giả của mình”. Theo TS Lê Thị Minh Lý, nắm vững nguyên lý này, chúng ta sẽ không lo lạc lối trong “rừng” công nghệ. Khi đó, công nghệ sẽ trở thành “cây đũa thần” biến hóa tài tình để tạo nên muôn vàn câu chuyện hấp dẫn trong các bảo tàng và di tích.

“Mặc dầu chậm so với quốc tế và khu vực song các bảo tàng và di tích tại Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản. Hiện vật, di tích, các câu chuyện lịch sử ký ức là quan trọng nhất; các chương trình công nghệ có thành công hay không phải dựa vào nghiên cứu cơ bản và từ thông tin của di sản. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm cụ thể, trực tiếp các di vật, hình ảnh và tư liệu để phát huy thế mạnh của bảo tàng, di tích...”, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh. 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc